Kết hợp bồi dưỡng, tập huấn và cơ chế động viên
Hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng được xác định là “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số các cấp nhằm mục tiêu đưa công nghệ số vào đời sống người dân. Tuy nhiên, để hoạt động của các tổ thực chất, phát huy tối đa hiệu quả, còn nhiều những khó khăn cần thành phố quan tâm, có cơ chế động viên, khuyến khích.
Khó khăn từ thực tế hoạt động
Thực hiện chương trình chuyển đổi số, đầu năm 2024, phường Anh Dũng đã thực hiện kiện toàn Tổ công tác Đề án 06 và công nghệ số cộng đồng tại các tổ dân phố. Tổ công nghệ số cộng đồng được kỳ vọng là “cánh tay nối dài” thực hiện tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến với người dân, góp phần hình thành nên các công dân số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn thành phố.
Thực tế sau hơn 3 năm hoạt động, các Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia, hỗ trợ đắc lực việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của thành phố. Trong đó, cao điểm là giai đoạn thực hiện cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID). “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng sâu sát, tích cực tuyên truyền, đôn đốc hướng dẫn người dân thực hiện cài đặt App định danh điện tử quốc gia, đồng bộ hóa dữ liệu với hệ thống quản lý dân cư quốc gia. Bên cạnh đó, các Tổ tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số tiện ích phục vụ đời sống hằng ngày trên điện thoại thông minh như: thanh toán không dùng tiền mặt; sàn thương mại điện tử; bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử; thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình; ứng dụng Hai Phong smart…
Vai trò rất rõ, song thực tế hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đang có những hạn chế. Mô hình chung của các Tổ công nghệ số cộng đồng hiện nay có từ 8-10 thành viên, do đồng chí Bí thư chi bộ TDP làm tổ trưởng. Thành phần tham gia tổ gồm: Bí thư, tổ trưởng TDP, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng các hội đoàn thể và thanh niên. Do vậy, phần lớn thành viên tổ là người lớn tuổi, khả năng cập nhật kiến thức liên quan đến chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ còn chậm; chưa thành thạo trong sử dụng các nền tảng, dịch vụ, công nghệ số; nhất là các tổ hoạt động ở địa bàn nông thôn. Cơ sở vật chất, hạ tầng viễn thông, đường truyền, mạng internet đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số ở một số khu vực, nhất là ngoại thành chưa đồng bộ. Các thiết bị cần thiết như: điện thoại thông minh, máy tính chưa bao phủ toàn dân. Các Tổ công nghệ số cộng đồng hiện nay hoạt động trên tinh thần tự nguyện, sự nhiệt tình của các thành viên, không có kinh phí hay phụ cấp. Hoạt động của các Tổ chủ yếu ở những giai đoạn cao điểm, chưa thường xuyên, liên tục.
Đồng chí Lê Toàn Quyền, Tổ trưởng kiêm Tổ phó Tổ công nghệ số cộng đồng TDP Trà Khê 3, phường Anh Dũng (quận Dương Kinh) cho biết: “Tổ công nghệ số công đồng tại TDP hiện có 10 người. Phần lớn các thành viên của tổ đều ngoài 60 tuổi, có 3 cháu thanh niên. Bởi vậy, các thành viên trong tổ chủ yếu làm nhiệm vụ tuyên truyền, đôn đốc. Các cháu thanh niên nhạy bén, am hiểu hơn về công nghệ hướng dẫn người dân kỹ năng, thao tác cài đặt, kích hoạt và sử dụng ứng dụng. Để động viên, khuyến khích, TDP đang trích một phần kinh phí nho nhỏ từ quỹ của tổ hỗ trợ chi phí điện thoại liên lạc cho các thành viên trong tổ…”.
Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, kiến thức
Với vai trò quan trọng và thực tế những khó khăn đặt ra trong hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng cho thấy, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn đến hoạt động của Tổ. Khi đã thành lập các Tổ, cần có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, rõ việc, có kiểm tra, giám sát và song song với đó là có cơ chế khuyến khích, động viên phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ. Trong đó, quan trọng nhất là cập nhật, bồi dưỡng thường xuyên kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho các Tổ. Qua đó, giúp các Tổ phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở và tạo ra các công dân số.
Theo Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Văn Kiên, thời gian qua, Sở trực tiếp tổ chức cũng như phối hợp với các quận, huyện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số tới các Tổ công nghệ số cộng đồng. Hoạt động này sẽ tiếp tục được tăng cường thực hiện trọng thời gian tới nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố.
Qua thực tế hoạt động, thanh niên được xác định là lực lượng nòng cốt của các Tổ công nghệ số cộng đồng, cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ lan tỏa các ứng dụng, nền tảng số trong cộng đồng. Thiết nghĩ thời gian tới, lực lượng thanh niên cần phát huy hơn nữa sức trẻ, tinh thần xung kích tình nguyện; tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng theo định hướng mới gắn với chuyển đổi, hình thành các công dân số; tích cực hơn nữa trong tham gia các Tổ công nghệ số cộng đồng./.